Một số dòng tranh dân gian tiêu biểu nhất (Phần 1)
Xét theo văn hóa tín ngưỡng, sự hình thành tranh dân gian Việt Nam đã có từ rất sớm, gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và dựa trên các vị thần truyền thuyết vốn được nhân hóa từ các hiện tượng
Đặc điểm tranh dân gian Việt Nam
Tranh dân gian Việt Nam dù có nhiều dòng tranh khác nhau. Mỗi dòng tranh có một phong cách riêng nhưng nhìn chung đều được dựng hình theo kiểu “đơn tuyến bình đồ”, tức lấy các nét khoanh, lấy các mảng màu và bao lại toàn hình. Với lối dựng hình “thuận tay hay mắt”, các thành phần trong tranh không có một điểm nhìn cố định mà hầu hết được thiết kế để có thể quan sát di động, từ nhiều góc độ khác nhau. Cách tạo màu cũng vậy, tất cả đều nhằm làm cho bức tranh thật dễ nhìn. Bố cục tranh được chia theo cách như sau: Thần thánh luôn được vẽ to ở giữa, phía trên, còn người bình thường thì sàn sàn nhau, con vật và cảnh sắc thì tuỳ tương quan mà vẽ to hay nhỏ để bức tranh gây ấn tượng sâu sắc.
Có rất nhiều dòng tranh dân gian đã từng xuất hiện tại Việt Nam. Có dòng tranh thì phát triển mạnh mẽ nhưng cũng có những dòng tranh nhanh chóng biến mất. Tiêu biểu có thể kể đến một số dòng tranh dân gian Việt Nam của cả 3 miền Bắc – Trung – Nam gồm:
Tranh Đông Hồ (Bắc Ninh)
Tranh Kim Hoàng (Hà Tây - Hà Nội ngày nay)
Tranh Hàng Trống (Hà Nội)
Tranh làng Sình (Huế)
Tranh Thập vật (Bắc Bộ)
Tranh Đồ thế (Trung và Nam Bộ)
Tranh Kính Nam Bộ (Nam Bộ)
Tranh Kính Huế (Huế)
Tranh Thờ miền núi (Dân tộc thiểu số phía Bắc)
Tranh Gói vải (Nam Bộ)
Trong số 10 dòng tranh dân gian Việt Nam kể trên, có 4 dòng tranh được coi là và phát triển nhất bao gồm: tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng và tranh Làng Sình.
Ngày nay, tranh dân gian đã bị tranh hiện đại lấn át, hầu hết đã thất truyền. Tuy nhiên, có một dòng tranh vẫn còn tồn tại trước những thử thách của thời gian, như tranh Đồng Hồ. Dòng tranh này không những có chỗ đứng ở trong nước mà nó đã và đang có mặt ở nhiều nước trên thế giới như Nhật, Pháp, Mỹ…
Một số tác phẩm nổi bật phải kể đến như Bịt mắt bắt dê, Hứng dừa, Đám cưới chuột, Đánh ghen, Phú quý, Nhân nghĩa
Tìm hiểu các dòng tranh dân gian Việt Nam tiêu biểu nhất
1. Tranh Đông Hồ
Trong số các dòng tranh dân gian Việt Nam, tranh dân gian Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh là một dòng tranh cổ, ra đời khoảng thế kỷ 16-17, phát triển mạnh đến nửa đầu thế kỷ 20.
Tranh Đông Hồ còn được gọi là “Tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ” vì được chế tác bằng phương pháp in khắc thủ công, giấy vẽ làm từ vỏ con điệp trộn với hồ, tạo nên loại giấy trắng sáng, lấp lánh khi để ngoài ánh sáng.
Đề tài: Tranh Đông Hồ có 7 loại chính, gồm tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh lịch sử, tranh truyện, tranh phương ngôn, tranh cảnh vật và tranh phản ánh sinh hoạt.
2. Tranh Kim Hoàng
Cùng với tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng vốn là dòng tranh Tết nổi tiếng của Kinh Kỳ. Tranh Kim Hoàng ra đời từ thế kỉ XVIII đến thế kỉ XIX, bắt nguồn từ làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức (Hà Nội). Hàng năm, người Kim Hoàng làm tranh từ rằm tháng một (tháng 11 âm lịch) đến giáp Tết, thoạt đầu thì cúng tổ nghề. Các ván in do một chủ phường có tài năng vẽ và khắc. Sau ngày giỗ tổ mới phát cho các gia đình. Trong quá trình in họ trao đổi ván cho nhau. Hết mùa tranh họ lại giao ván cho các chủ phường khác cất giữ.
Đặc điểm: Điều khác biệt chỉ tranh Kim Hoàng có mà tranh Hàng Trống hay tranh Đông Hồ không có, đó là trên góc tranh Kim Hoàng có đề thơ và bùa trấn tà ma, nên thường được dùng trang hoàng nhà cửa đầu năm mới. Người làng Kim Hoàng dùng giấy đỏ, giấy hồng điều hoặc giấy vàng tàu làm chất liệu vẽ tranh và dùng các sắc hồng điều, đỏ cam, đỏ son, vàng yến… hết sức rực rỡ để làm nền, tạo nên một vẻ tươi thắm rất riêng.
Màu sắc: Tranh Kim Hoàng không dùng màu phẩm, chất liệu phổ biến là mực tàu và các loại màu sắc có nguồn gốc tự nhiên, được trộn với chất kết dính là keo da trâu. Màu trắng tạo ra từ thạch cao, màu xanh chàm từ mực tàu hòa với nước chàm, màu đỏ lấy từ đất son, màu đen từ tro rơm rạ, màu xanh từ gỉ đồng, màu vàng từ nước ép của hạt cây dành dành…
Đề tài: Tranh của làng Kim Hoàng cũng phong phú nội dung: Thờ cúng, tranh chúc tụng như một số dòng tranh khác cùng thời (Đông Hồ, Hàng Trống). Đề tài của tranh Kim Hoàng cũng tương tự như tranh Đông Hồ, đó là những gì quen thuộc với cuộc sống mộc mạc, đơn sơ của người nông dân.
3. Tranh Hàng Trống
Tranh Hàng Trống là một loại hình tranh khắc gỗ của một số gia đình nghệ nhân sản xuất ở Hà Nội hoặc ở một địa phương làm tranh theo cùng một phong cách – chủ yếu là tranh thờ, mang ra Hà Nội bán tập trung ở phố Hàng Trống với các đồ thờ khác. Loại tranh này đã có từ lâu, còn tên “tranh Hàng Trống” chỉ là tên chung của một loại tranh có cùng một kĩ thuật, phong cách, mới đặt ra gần đây, để phân biệt với dòng tranh khắc gỗ sản xuất ở làng Đông Hồ – Bắc Ninh…
Tranh Hàng Trống chủ yếu vẽ để phục vụ nhu cầu người dân sinh sống ở đô thị, nên các nghệ nhân thường làm tranh khổ lớn, điều đó giúp tranh Hàng Trống phù hợp với không gian những phòng khách sang trọng. Tính độc bản tranh Hàng Trống rất cao, không phải dòng tranh in ra hàng loạt. Do vậy, người mua tranh Hàng Trống không chỉ để chơi, mà còn để sưu tầm, dòng tranh này càng để lâu năm, giá trị văn hóa, lịch sử càng cao.
Cách vẽ: Đặc trưng trong nghệ thuật chế tác của tranh Hàng Trống đó là các nghệ nhân trực tiếp vẽ bằng tay, truyền đạt cảm hứng sáng tạo trên tác phẩm kết hợp kỹ thuật dùng bản khắc in, hành nghề có tính phường thợ, cha truyền con nối. Tranh Hàng Trống vẽ rất kỳ công, đường nét vẽ tinh xảo, gợi cảm, xen những mảng trống tạo không gian.
Màu sắc: Màu sắc được vẽ bằng phẩm màu có hoà sắc phong phú, thường là lam - hồng, có thêm lục - đỏ, da cam - vàng. Tranh được tô màu bằng tay, vì vậy, vai trò của người vẽ rất quan trọng.
Nội dung tranh: Phản ánh về các đề tài Phật giáo, Đạo giáo, tranh thờ như: Tam toà Thánh Mẫu, tranh Tứ phủ, ông Hoàng Ba, ông Hoàng Bảy, Ngũ hổ, Độc hổ, Sơn trang... các tranh chơi như các bộ Tứ Bình hoặc Nhị bình, Lý ngư vọng nguyệt, Thất đồng, Tố nữ, Kiều, bộ tranh về cảnh dạy học, cảnh nhà nông hay các kiểu khác: canh, tiều, ngư, mục.
4. Tranh làng Sình
Nghề làm tranh tại làng Sình (nằm ven bờ sông Hương, Huế) ra đời nhằm phục vụ cho việc thờ cúng của người dân khắp vùng.
Tranh làng Sình chủ yếu là tranh phục vụ tín ngưỡng. Với khoảng hơn 50 đề tài tranh phản ảnh tín ngưỡng cổ sơ, người dân thờ tranh cầu mong người yên, vật thịnh... Bên cạnh ý nghĩa thờ cúng, tranh Sình còn khắc hoạ bằng hình ảnh sinh động những sinh hoạt văn hoá, xã hội, lao động. Nhóm tranh muông thú rất gần gũi với mọi nhà (lợn, ngựa, voi…), các đồ vật quen thuộc (chậu, hoa, thuyền bè…).
Tranh có nhiều cỡ khác nhau, ứng với nó là kiểu in vẽ cũng khác nhau. In tranh khổ lớn thì đặt bản khắc nằm ngửa dưới đất, dùng một chiếc phết là một mảnh vỏ dừa khô đập dập một đầu, quét màu đen lên trên ván in. Sau đó phủ giấy lên trên, dùng miếng xơ mướp xoa đều cho ăn màu rồi bóc giấy ra. Với tranh nhỏ thì đặt giấy từng tập xuống dưới rồi lấy ván in dập lên. Bản in đen chờ cho khô thì đem tô màu.
5. Tranh Thập vật
Tranh Thập vật là loại tranh phổ biến trong các chùa vùng Bắc bộ trước những năm 1960, thể hiện nét tâm linh một thời của người Việt: người đã mất sang thế giới bên kia vẫn được thân nhân lo chu toàn đời sống gồm đủ cả trang phục, vật dụng hàng ngày, thậm chí có cả con vật để cưỡi và lính hầu.
Tranh Thập vật là dòng tranh dân gian chỉ có nội dung thuộc về tâm linh, thường có khổ tranh nhỏ, rộng khoảng 1 - 2 bàn tay, dùng để đốt cho người đã khuất khi khấn cúng chứ không có dạng tranh treo để trang trí. Dòng tranh này có cách biểu đạt tối thiểu: tranh được khắc rồi in chỉ mỗi nét đen trên giấy dó hay giấy bản. Mỗi bức tranh đều có một câu chuyện riêng, thể hiện nhân sinh quan của người Việt xưa. Chính vì bị “ép” trong khuôn tối thiểu mà các tác giả phải vận dụng hết khả năng sáng tạo để đảm bảo nội dung cần thể hiện mà vẫn hấp dẫn.
Giá trị nghệ thuật và triết lý trong tranh dân gian Việt Nam
Hình thành, phát triển cùng chiều dài lịch sử nền văn hóa Việt Nam, mỗi dòng tranh dân gian nước ta đều phản ánh chân thực tâm hồn, cuộc sống người dân, tư tưởng triết học trong tranh dân gian là mạch nguồn văn hóa dân tộc định hình tư duy sáng tạo của những nghệ nhân dân gian trong suốt quá trình lao động, sáng tạo.
Trong giao lưu văn hoá, tranh dân gian Việt Nam vừa phát triển những vốn quý của các thời trước tích tụ lại, vừa tiếp nhận những tinh hoa của các dòng tranh khác để rồi khẳng định những gì thích hợp với dân tộc, làm phong phú hơn bản sắc của mình.
- còn tiếp-
Nguồn tổng hợp : https://www.twinkl.com.vn/teaching-wiki/12-dong-tranh-dan-gian-viet-nam-tieu-bieu-nhat
https://tienphong.vn/chiem-nguong-12-dong-tranh-dan-gian-viet-nam-post895273.tpo