
TẾT ĐOAN NGỌ
Theo phong tục cổ truyền người Việt Nam tổ chức ăn Tết Đoan Ngọ vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm; với cách gọi nôm na là ngày giết sâu bọ
Tết Đoan Ngọ cũng là một tiết lễ trong một năm theo lịch âm. Căn cứ vào ngữ nghĩa của từ: Đoan có nghĩa là bắt đầu; Ngọ là giữa trưa. Vậy Đoan Ngọ là bắt đầu từ giữa trưa. Theo phong tục cổ truyền người Việt Nam tổ chức ăn Tết Đoan Ngọ vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm; với cách gọi nôm na là ngày giết sâu bọ. Nên Tết Đoan Ngọ còn được người Việt gọi là Tết giết sâu bọ. Vì người xưa quan niệm rằng trong cơ thể con người, nhất là ở bộ phận tiêu hóa thường có nhiều sâu bọ (vi trùng các loại) sinh sống. Bon sâu bọ này nếu không diệt trừ đi thì chúng sẽ sinh sản rất nhanh gây nhiều tác hại đến sức khỏe của con người. Nhưng giết sâu bọ không phải tùy tiện lúc nào cũng có hiệu quả. Bọn sâu bọ ẩn náu trong cơ thể con người rất khó phát hiện. Chỉ đến ngày mùng 5 tháng 5 là chúng mới ngoi ra, nhân dịp này người ta tiêu diệt chúng được dễ dàng nhất.
Từ chỗ quan niệm nôm na như vậy, đến sáng sớm ngày mùng 5 tháng 5 hàng năm người ta ăn rượu nếp và hoa quả để tiêu diệt sâu bọ. Người xưa còn giải thích rằng: Bọn sâu bọ ở bụng dưới người ta ngoi lên bụng trên, nên chúng ăn phải rượu nếp bị say mềm, rồi ăn phải những trái cây sẽ làm cho chúng bị chết hàng loạt. Theo nền y dược học dân gian cổ truyền, thì mỗi loại trái cây là một loại thuốc giết trừ sâu bọ. Còn đối với trẻ em, vào ngày hôm giết sâu bọ, người ta bôi cho trẻ một ít thần sa, chu sa vào hai bên thái dương và vào bụng nữa; hoặc có người còn hòa với nước cho trẻ uống.
Ngoài ra bọn trẻ con còn được cha mẹ cho ăn các loại hoa quả, cũng có tác dụng để diệt trừ sâu bọ. Người Việt Nam còn sửa cỗ bàn dâng cúng Tổ tiên ông bà và Thổ Công vào ngày Tết Đoan Ngọ. Lễ vật dâng cúng gồm: xôi gà, rượu trà, trái cây các loại, rượu nếp, cau trầu, hương đăng, vàng mã.
Ngày nay, người ta vẫn ăn Tết Đoan Ngọ như xưa, ngoài việc làm cỗ cúng tiến tổ tiên ông bà và Thổ Công ra, nhiều gia đinh vẫn duy trì tục giết sâu họ bằng rượu nếp, ăn trái cây các loại trong ngày Tết Đoan Ngọ. Nhưng mục đích nhăm diệt sâu bọ (vi trùng các loại) vào ngày mùng 5 tháng 5 trong thời buổi bây giờ sâu bọ còn có nhiều tập tục còn mang ý nghĩa tượng trưng mà thôi. Còn mục đích chính là vào Tết Đoan Ngọ, bắt đầu có lúa mới (vụ Chiêm) và đầu mùa trái cây các loại khi đã sang hè. Nên trước khi ăn cơm mới và các loại trái cây đầu mùa, người ta luôn tưởng nhỏ đến ông bà tổ tiên và đem dâng cúng, rồi mới ăn đồ cúng là việc giữ bền phong tục đẹp của cha ông để lại.
Món ăn cổ truyền được dùng khá phổ biến trong ngày Tết Đoan Ngọ đó là món rượu nếp (ăn cả cái lẫn nước nên còn gọi là cơm rượu). Trong ngày Tết Đoan Ngọ, ở nước ta trước đây ngoài tục giết sâu bọ còn có nhiều tập tục khác như: Tục nhuộm móng chân, móng tay, tục khảo cây lấy quả, tục hái thuốc vào giờ Ngọ, tục tắm nước lá mùi, tục đeo bùa túi vải treo ngải cứu để trừ tà cho con trẻ. Tục nhuộm móng chân, móng tay cho trẻ em vào ngày Tết Đoan Ngọ. Xưa kia ở các làng quê, các bà mẹ thường đi hái lá móng tay về làm thuốc nhuộm móng tay, móng chân để trừ tà ma cho con trẻ. Lá móng tay là một loại lá nhỏ hơi dài mọc hoang dại nhiều ở nơi bờ, bụi ven đường hay bờ ruộng. Người ta đem hái loại lá này đem giã nhỏ rồi lấy lá vông bọc lên đầu ngón tay, ngón chân cho trẻ từ tối hôm trước Tết Đoan Ngọ. Đến sáng hôm sau tháo lá bọc ra, thì các móng chân, móng tay đều được nhuộm đỏ hết lượt. Người xưa tin rằng, nhuộm móng chân, móng tay cho trẻ ngoài có tác dụng trừ tà ma ám ảnh, còn có tác dụng ngăn ngừa sâu bọ quấy rối gây bệnh tật cho trẻ em. Tục nhuộm móng tay, móng chân phải chừa ngón tay trỏ không được nhuộm, vì đây là ngón thần chỉ của mỗi người, thì mới có tác dụng hữu hiệu.
Theo Nguyễn Quang Lê.
#vanhoaviet #daytrevanhoaviet #tetdoanngo