Thuyết tri nhận/nhận thức (Cognition theory) của Jean Piaget
Theo J. Piaget, sự xuất hiện, phát triển của trí tuệ và ngôn ngữ là kết quả của hai cơ chế cơ bản: đồng hoá (assimilation) và điều ứng (accommodation)
Jean Piaget (1896 - 1980) là nhà tâm lí học người Thuy Sĩ. Ông là một trong những người sáng lập môn Tâm lí học phát triển và nghiên cứu về Tâm lí học tư duy và Tâm lí học trẻ em.
Dựa trên những dữ liệu từ thực nghiệm, Piaget xây dựng học thuyết về sự hình thành và phát triển trí tuệ trong đó có ngôn ngữ. Học thuyết này coi trí tuệ là sự phối hợp các hành động bên trong của chủ thể, đó là những thao tác. Theo ông, trí tuệ không bất biến mà phát triển theo từng cấp độ, phụ thuộc vào từng giai đoạn và các thời kì hòa nhập kế tiếp nhau bởi các điều kiện sinh lí của sự phát triển. Nó là sản phẩm tác động qua lại giữa chủ thế và môi trường.
Theo J. Piaget, sự xuất hiện, phát triển của trí tuệ và ngôn ngữ là kết quả của hai cơ chế cơ bản: đồng hoá (assimilation) và điều ứng (accommodation). Đồng hóa là sự thống nhất thông tin mới vào cấu trúc tinh thần đang có sẵn. Có thể hiểu, cơ thế đồng hoá những yếu tố của môi trường vào những cấu trúc có sẵn của mình. Điều ứng là sự thay đổi một cấu trúc tinh thần để thu vào thông tin mới. Điều đó có nghĩa là có sự điều chỉnh những cơ cấu ấy để thích ứng với những biến đổi của môi trường. Khi hai quá trình này cân bằng là đã có sự thích nghi và ở mỗi thời kì tạo ra những cơ chế và cơ cấu đặc biệt. Chính nhờ cơ chế đặc biệt này mà trí tuệ con người được phát triển.
Sau hơn 30 năm nghiên cứu, Piaget đã xác định có bốn giai đoạn trong lịch sử phát triển trí tuệ và ngôn ngữ của trẻ em, mỗi giai đoạn lại chia thành một số thời kì. Ngày nay, có thể nói, hầu hết các nhà tâm lí học mặc dù còn chưa đồng ý về một số nội dung hay trong sự xác định nguyên nhân phát triển, đều nhất trí với J. Piaget về việc phân kì đại cương với những đặc trưng chủ yếu từng thời kì. Bốn giai đoạn lớn của sự phát triển ngôn ngữ (trí tuệ) của trẻ em là:
Giai đoạn vận động - cảm giác (từ 0 đến 2 tuổi): Đây là giai đoạn trẻ nhận biết thế giới thông qua sự phối hợp cảm giác và vận động.
Giai đoạn tiền thao tác (từ 2 đến 7 tuổi): Lúc này, trẻ đã có thể nhận biết thế giới qua các biểu tượng, đặc biệt là biểu tượng bằng ngôn ngữ.
Giai đoạn thao tác cụ thể (từ 7 tuổi đến 11 tuổi): Trẻ có thể hiểu được thế giới theo cách lí luận hơn là tri giác đơn giản thông qua các ý niệm về đối tượng bên ngoài.
Giai đoạn tư duy logic/trừu tượng (từ 11 tuổi trở đi): Trong giai đoạn này, trẻ có khả năng khái quát hóá các ý tưởng và các điều trừu tượng. Trẻ có khả năng đưa ra kết luận từ những giả thuyết thay vì chỉ dựa hoàn toàn vào quan sát thực tế. Trí tuệ đứa trẻ đã đạt tới mức phát triển hoàn chỉnh.
Thuyết nhận thức cho rằng sự phát triển của ngôn ngữ được sự phát triển nhận thức chuẩn bị và hậu thuẫn. Đối với Piaget, năng lực ngôn ngữ được xem là một phần năng lực biểu tượng phổ thông nhất, phức hợp hơn cả so với trò chơi tượng trưng (1) sự bắt chước trì hoãn (2) vẽ…(Sự xuất hiện của ngôn ngữ là vào cuối thời kì vận động trở đi, nhờ vào sự hậu thuẫn của năng lực biểu tượng/tượng trưng (là năng lực dùng một sự vật khác thay thế cho một sự vật ở trong suy nghĩ, và dùng ngôn ngữ để biểu hiện, làm tai hiện được sự vật không có ở trước mắt).
________________________________________________________
Trò chơi tượng trưng (symbolic play): Chơi tượng trưng là khả năng trẻ em sử dụng đồ vật, hành động hoặc ý tưởng để đại diện cho các vật thế, hành động hoặc ý tưởng khác khi chơi. Một đứa trẻ có thể đẩy một khối xung quanh sàn nhà như một chiếc xe hơi hoặc đặt nó vào tai của mình như một chiếc điện thoại di động.
Sự bắt chước trì hoãn (delayed imitation): Việc bắt chước trì hoãn, sao chép cử chỉ hoặc hành động sau một thời gian trì hoãn, có thể được coi là dấu hiệu của quá trình chuyển đổi hướng tới khả năng tinh vi hơn nhằm kiểm soát và tham gia linh hoạt vào giao tiếp. Có bằng chứng cho thấy trẻ sơ sinh có khả năng bắt chước trì hoãn các hành động hướng đối tượng, bắt đầu từ lúc trẻ 6 tháng tuổi.
Theo Tiến sĩ Đinh Thanh Tuyến