Tranh dân gian Việt Nam
Bạn có biết Việt Nam chúng ta có một nền mỹ thuật rất phong phú và đa dạng. Hãy cùng tìm hiểu về tranh dân gian Việt Nam nhé.
Nguồn gốc và sự ra đời
Tranh dân gian là loại tranh ra đời từ rất lâu, được truyền đời này qua đời khác và đến tận ngày nay. Tranh được sáng tạo bởi trí tuệ của tập thể nhân dân và gồm nhiều loại như: tranh Tết, tranh thờ...Để tìm nguồn gốc tranh dân gian, nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều phỏng đoán khác nhau, dựa trên những căn cứ: thơ văn, sử sách... tuy vẫn còn phải nghiên cứu thêm ta tạm chấp nhận nhận định về nguồn gốc tranh dân gia như trên. Vấn đề quan trọng ở đây là với dòng tranh dân gian, ta tìm hiểu giá trị của tranh để hiểu thêm về tài năng tạo hình của cha ông trong nghệ thuật tạo hình.
Chúng ta biết rằng một mảng tranh dân gian là tranh Tết, vậy thì tranh Tết phải được sáng tác để phục vụ nhu cầu tranh trong ngày Tết của mọi tầng lớp xã hội, đó là cơ sở giúp ta xác nhận sự ra đời của tranh dân gian. Mặt khác, dân tộc ta có nguồn gốc tín ngưỡng lâu đời: tín ngưỡng thờ tổ tiên, thờ đạo Mẫu, thờ các vị thần linh...Vì vậy tranh dân gian còn được ra đời từ nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng. Như vậy cùng với tranh Tết còn có tranh thờ của dân tộc Kinh và các dân tộc miền núi được sản xuất và bán quanh năm. Tranh dân gian là một phần quan trọng trong toàn bộ nền văn hóa dân tộc, ở đó thể hiện những nét độc đáo trong sinh hoạt, vui chơi, lễ hội và truyền thống dân tộc.
Một số dòng tranh chính
Tranh dân gian được sản xuất ở nhiều vùng khác nhau trong cả nước: ở miền Bắc có tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh); tranh Kim Hoàng (Hà Tây). Miền trung có tranh sản xuất ở Nam Hoành (Nghệ Tĩnh); tranh làng Sình (Huế). Một số vùng Nam bộ cũng có sản xuất tranh thờ. Ngoài ra trên vùng cao còn có tranh vẽ tay của các dân tộc như: Tày, Nùng, Dao, Cao Lan...phục vụ mục đích tôn giáo, thờ cúng là chủ yếu.
Các thể loại tranh dân gian
Tranh dân gian được chia thành một số thể loại sau:
Tranh chúc tụng
Đây là mảng tranh thường gặp trong tranh dân gian. Nội dung nói lên mơ ước, khát vọng hạnh phúc của mọi tầng lớp trong xã hội.Đồng thời cũng thể hiện một quan niệm, một tục lệ của người Việt. Ở thể loại này, các nghệ nhân thường dùng phương pháp tượng trưng, mượn hình ảnh thực để biểu hiện các ý tưởng. Đơn giản nhất là các câu đối Tết, từ tranh chữ Phúc - Lộc - Thọ - Tâm - Nhẫn - Đức... đến các bức tranh mang nội dung nhất định như: Đại cát - Nghinh xuân - Vinh hoa - Phú quý; Gà đàn, Lợn đàn (tranh Đông Hồ), Thất đồng, Tử tôn vạn đại, Tam đa... (tranh Hàng Trống)



Tranh tôn giáo thờ cúng
Mọi hình thức tôn giáo, tín ngưỡng của dân tộc ta đều được thể hiện trong tranh dân gian, nhất là tranh dân gian Hàng Trống. Đầu tiên là tranh thờ Phật giáo như tranh vẽ Phật Thích Ca, Phật Bà Quan Âm hay Thập diện Diêm vương. Một thể loại tranh thờ khác là tranh phục vụ cho các điện thờ có màu sắc đạo giáo như Tam phủ, Tứ phủ, Tam tòa Thánh mẫu, các thần tướng Hắc Hổ, Bạch Hổ hay Ngũ Hổ, đức Thánh Trần, ông Hoàng, cậu Quận... Những bức tranh thờ được vẽ với màu sắc mạnh, tươi sáng, rực rỡ.



Tranh lịch sử
Tranh lịch sử diễn tả về các anh hùng dân tộc, những trận đánh, những trang sử hào hùng của dân tộc. Loạt tranh này vừa gợi cho mọi người nhớ về truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta vừa ghi nhớ công ơn của các anh hùng như Ngô Quyền, Quang Trung, Hai Bà Trưng, Bà Triệu... Trong tranh dân gian Đông Hồ còn có cả tranh “Đổng Thiên Vương đại phá giặc Ân”.


Tranh truyện
Tranh truyện giống như những bộ tứ bình. Tuy vậy nội dung bốn tranh có liên quan và nối tiếp nhau để diễn tả một cốt truyện cụ thể nên đặc điểm của loại tranh này khác với tranh Tứ quý hay Tứ dân, Tố nữ. Ví dụ như: tranh Truyện Kiều, tranh truyện Phương Hoa, tranh truyện Trê Cóc...
Tranh truyện không chỉ đơn thuần giới thiệu hay minh họa truyện mà tranh bằng hình thức cô đọng, dễ hiểu sẽ giúp những người không biết chữ tiếp cận với kho tàng văn học quý giá. Mặt khác khi vẽ tranh, nghệ nhân đứng về phía các nhân vật được họ yêu thích do đó tranh còn mang tính giáo dục cao, hướng thiện, trừ ác.

Tranh sinh hoạt
Đây là mảng tranh quan trọng và phong phú nhất trong tranh dân gian. Mọi mặt của cuộc sống đều được đưa vào tranh. Tranh sinh hoạt không chỉ diễn tả cảnh lao động, làm ăn như tranh công việc nhà nông, tăng gia sản xuất; thợ cày, thợ bừa; chợ quê... mà còn diễn tả những ước mơ, quan hệ tình cảm tự nhiên của con người như Hứng dừa; một mảng sinh hoạt được các nghệ nhân diễn tả rất thành công đó là những trò chơi dân gian, lễ hội như Kéo co; đu đôi; Bịt mắt bắt dê, bắt chạch; Rước trống;Đấu vật; Múa rồng;
Múa sư tử; Đánh mộc; Rồng rắn lên mây... Cho dù ở mảng sinh hoạt hay làm ăn vui chơi, tình cảm..., các nhân vật cũng đều được diễn tả trong tư thế thảnh thơi, an nhàn và vui vẻ, hoan hỉ. Trong mảng tranh sinh hoạt còn có một số tranh phản ánh hiện thực có ý nhắc nhở mọi người về lối số và quan niệm hạnh phúc trong gia đình, trong xã hội. Tranh như tiếng cười dí dỏm, hóm hỉnh về thói xấu trong cuộc sống


Nghiên cứu về tranh dân gian xưa giúp ta hiểu được cách tạo hình, chất liệu để vẽ tranh của nghệ nhân dân gian xưa. Thấy được cái hay, cái đẹp, cái giỏi, sức sáng tạo đồng thời cũng thấy được quan niệm sống, nét văn hóa, đời sống tinh thần của cha ông xưa. Tất cả những điều đó giúp ta thêm tự hào về truyền thống nghệ thuật của cha ông ta, tạo cơ sở để chúng ta có thể sáng tạo nhiều tác phẩm mĩ thuật vừa hiện đại vừa đậm chất dân tộc.